SỰ CẦN THIẾT ÁP DỤNG bim TẠI DỰ ÁN

Trên thế giới, ngành Xây dựng luôn được coi là ngành kinh tế quan trọng, là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân vì chiếm tỷ trọng GDP khá lớn và sử dụng nhiều lao động.

Các sản phẩm xây dựng có đặc thù là đơn chiếc gồm nhiều bộ phận kết cấu có chức năng, công dụng khác nhau được kết nối với nhau; quá trình tạo ra sản phẩm xây dựng có tính xã hội hóa rộng rãi với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong quá trình thực hiện. Nó rất đa dạng nhưng lại mang tính độc lập, mỗi một công trình được xây dựng theo một thiết kế, kỹ thuật riêng, có giá trị dự toán riêng và tại một địa điểm nhất định, nơi sản xuất ra sản phẩm cũng đồng thời là nơi sau này khi sản phẩm hoàn thành được đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng. Những đặc điểm này có tác động lớn tới giá trị sản xuất ngành xây dựng.

Các sản phẩm này thường có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, thời gian sử dụng lâu dài, có giá trị lớn đòi hỏi các nhà xây dựng phải dự đoán trước xu hướng tiến bộ xã hội để tránh bị lạc hậu. Phong cách kiến trúc và kiểu dáng một sản phẩm cần phải phù hợp với văn hoá dân tộc…. và do đó chất lượng của các công trình xây dựng cũng phải được đặc biệt chú ý. Nó không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thọ của công trình và còn ảnh hưởng tới sự an toàn cho người sử dụng.

Quá trình từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành công trình bàn giao và đưa vào sử dụng thường kéo dài. Nó phụ thuộc quy mô và tính chất phức tạp về kỹ thuật của từng công trình. Quá trình thi công được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thi công lại chia thành nhiều công việc khác nhau, các công việc chủ yếu diễn ra ngoài trời chịu tác dộng rất lớn của các nhân tố môi trường xấu như mưa, nắng, lũ, lụt… đòi hỏi các nhà xây dựng phải giám sát chặt chẽ những biến động này để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu của nó.

Để đảm bảo hiệu quả, các công tác thiết kế, thi công, quản lý vận hành và bảo trì công trình được thực hiện theo các bước thiết kế và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ môn thiết kế khác nhau. Tuy nhiên thực trạng các công tác đó vẫn còn nhiều bất cập:

      • Về công tác thiết kế: Còn thiếu tính sáng tạo; Sự phối hợp giữa các bộ môn chưa hiệu quả, dẫn đến chậm trễ và sai sót; Khảo sát thiết kế chưa được thực hiện một cách nghiêm túc; Giai đoạn thiết kế ý tưởng thiếu sự phối hợp và tham gia của các bên bên liên quan và khó khăn trong trình bày ý tưởng; Các đánh giá phân tích về mặt năng lượng, hiệu quả dự án thường ở giai đoạn cuối các bước thiết kế nên các kết quả khó được ứng dụng; Tác phong làm việc theo nhóm chưa chuyên nghiệp và khó khăn trong việc phối hợp với các đơn vị quốc tế; Chủ yếu sử dụng phương pháp thiết kế trên nền tảng 2D truyền thống; Một số ít đơn vị ứng dụng thiết kế trên nền tảng 3D;
      • Về công tác lập dự toán: Trình độ chuyên môn các đơn vị lập dự toán còn hạn chế; Chưa có sự cập nhật kịp thời và nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật; Chưa có sự phối hợp từ đầu với đơn vị thiết kế để nắm rõ ý tưởng; Tính trùng lặp nhiều về khối lượng; Xác định đơn giá còn thiếu cơ sở, tạm tính nhiều; Định mức không được cập nhật thường xuyên với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật; Định mức áp dụng không phù hợp với tình hình thi công trong thực tế; Còn nhiều khó khăn trong công tác điều chỉnh; Điều chỉnh nhiều lần.
      • Về công tác quản lý dự án: Sự phối hợp còn gặp nhiều khó khăn do các quy định chưa chặt chẽ về trách nhiệm giữa các bên liên quan, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; Trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn do khối lượng hồ sơ đồ sộ, khó trao đổi, lưu trữ, tra cứu, mỗi đơn vị có chuyên môn riêng (bản vẽ, ký hiệu) dẫn đến khó khăn trong việc giải thích và trình bày ý tưởng; Quản lý tiến độ, chi phí còn chưa bám sát với thực tế.
      • Về công tác thi công: thuyết minh biện pháp tổ chức thi công chưa được chú ý đúng mức và trực quan, thiếu sự phân tích để tìm phương án tối ưu; Công tác giám sát gặp khó khăn do khối lượng nhiều.
      • Về hồ sơ hoàn công công trình: Khối lượng hồ sơ đồ sộ, người trực tiếp sử dụng khó nắm bắt và tìm kiếm thông tin.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý chất lượng xây dựng công trình (kiểm soát và giảm thiểu các sai sót), tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian xây dựng; lưu trữ và cung cấp các thông tin công trình cần thiết. Để đạt được mục tiêu thông qua việc giải quyết các thực trạng bất cập kể trên, việc áp dụng và chuyển giao công nghệ mới phải được chú trọng.

Tuy nhiên việc áp dụng một công nghệ mới luôn đặt ra nhiều thách thức với những người tổ chức thực hiện ở mọi cấp độ. Do đó, để đạt được sự hiệu quả cần xây dựng chiến lược thay đổi hệ thống một cách hợp lý. Có bốn phương pháp tiếp cận cơ bản để thay đổi hệ thống, đó là: (1) Phát triển theo giai đoạn; (2) Lập mô hình thí điểm; (3) Phát triển theo kiểu song song và (4) Phát triển theo hình thức chuyển thể hoàn toàn. Cụ thể như sau:

 

    •  Phát triển theo giai đoạn :

Đây là hình thức xây dựng và phát triển theo kiểu truyền thống, nghĩa là mục tiêu chung sẽ được chia nhỏ thành các giai đoạn, ở mỗi giai đoạn cần đưa ra những công việc cụ thể cần đạt được và kết quả cuối cùng phải hoàn thành ở mỗi giai đoạn. Kết quả của giai đoạn này góp phần định hướng, giúp sửa đổi các công việc cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp hơn.

Các ưu điểm của phương pháp tiếp cận này bao gồm: Nhu cầu vốn chỉ ở mức trung bình; Dễ dàng quản lý và thực hiện hơn vì các công việc cần phải làm đều có khoảng thời gian cụ thể nên tránh được sự lãng phí và dư thừa của nguồn lực trong công tác thiết lập và quản lý; Thiết lập được những tiêu chuẩn tạo điều kiện cho công tác kiểm tra ở từng giai đoạn đạt hiệu quả cao vì khi lập các giai đoạn thực hiện thì sẽ có được những biện pháp để điều chỉnh kịp thời khi có những yếu tố không khả quan; Dễ đạt được sự đồng thuận và thích nghi của người sử dụng; và Mức độ rủi ro không quá lớn.

Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận này cũng có các nhược điểm như: Cần mất nhiều thời gian, nhất là ở các bước đầu do phải chia ra các giai đoạn, mục tiêu cụ thể vào phương pháp phát triển lúc đầu; Làm tăng các luật lệ và quy tắc trong xây dựng hệ thống do phải hoàn thành mục tiêu đặt ra lúc đầu của từng giai đoạn.

    • Lập mô hình thí điểm : 

Ở chiến lược này ta sẽ chọn một số ít các bộ phận có nhiều thuận lợi nhất để phát triển và sử dụng hệ thống mới. Việc thí điểm có thể thực hiện một hoặc một vài chức năng của hệ thống chứ không phải toàn bộ.

Ưu điểm của cách tiếp cận này bao gồm: Tương đối dễ dàng quản lý do phạm vi là không lớn lắm; Có thể kiểm định được tính phù hợp của hệ thống mới và tăng tính thuyết phục, đồng thuận của người sử dụng khi thí điểm thành công; Rủi ro tương đối thấp.

Cách tiếp cận này cũng có nhược điểm là: Cần có sự phân chia chức năng hợp lý và chọn phần thí điểm hợp lý để tránh ảnh hưởng tới chức năng của toàn bộ hệ thống; Dự án thay đổi có thể thất bại do phụ thuộc nhiều vào kết quả của thí điểm, mà phần thí điểm có thể có sai số so với hiệu quả thực tế.

    • Chiến lược phát triển kiểu song song : 

Trong chiến lược này sẽ chú trọng vào việc đầu tư phát triển một hệ thống cũ và mới cùng tiến hành song song với nhau.

Ưu điểm: Dễ dàng so sánh và đánh giá hiệu quả của hệ thống cũng như dễ tìm ra các vấn đề của hệ thống mới để kịp thời sửa chữa và hoàn thiện hơn; Giảm thiểu tối đa rủi ro cho đơn vị trong quá trình chuyển giao công nghệ và thay đổi phương thức quản lý; Sử dụng trong giai đoạn giao thời có thể giúp các dữ liệu được dần dần chuyển từ hệ thống cũ sang mới tương đối dễ dàng.

Nhược điểm: Chi phí rất lớn do cùng phải vận hành hai phương thức quản lý khác nhau; Dễ dẫn tới những bất đồng và phát sinh nhiều vấn đề do tính không đồng bộ của hai hệ thống.

    • Chiến lược chuyển thể hoàn toàn : 

Theo chiến lược này, việc tổ chức quản lý thay đổi sẽ diễn ra trên phạm vi của toàn đơn vị để nhằm thực hiện đồng thời rất nhiều các công việc cần thiết trên các lĩnh vực chính cũng như các mảng hỗ trợ.

  • Ưu điểm: Thời gian để chuyển đổi hoàn toàn sang hệ thống mới rất ngắn; Việc đồng bộ hóa và tăng tính kết nối giữa các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống trở nên dễ dàng hơn.
  • Nhược điểm: Nhu cầu về vốn đầu tư là lớn; Thường gặp phải các vấn đề phát sinh lúc ban đầu nếu không có sự huấn luyện người sử dụng và Rủi ro rất cao.

Qua tổng hợp kinh nghiệm triển khai BIM trên thế giới cũng như một số dự án triển khai tại Việt Nam, các lợi ích điểm hình có thể kể đến như:

  • Khả năng cung cấp dữ liệu nhanh chóng để kiểm tra khối lượng dự toán, giúp tự động hoá các công việc đo bóc khối lượng và lập dự toán;
  • Tăng hiệu suất trong thiết kế, điều chỉnh thiết kế thực hiện nhanh và ít sai sót;
  • Phát hiện ra các sai sót thiết kế và các bất cập của biện pháp thi công để có giải pháp trước khi tiến hành thi công ngoài công trường. Giảm thiểu sai sót thiết kế, giảm thiểu xung đột không gian trong thi công đặc biệt đối với công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp;
  • Tăng năng suất lao động trong thi công, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công;
  • Cung cấp dữ liệu phục vụ tự động hoá sản xuất các bộ phận, cấu kiện công trình;
  • Nhanh chóng đưa ra nhiều phương án thiết kế để phân tích lựa chọn phương án tối ưu;
  • Phân tích đánh giá tiêu thụ năng lượng của các phương án thiết kế theo các tiêu chuẩn công trình xanh, phát triển bền vững;
  • Xây dựng kế hoạch bảo trì công trình và tính toán chi phí vòng đời công trình phục vụ đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án;
  • Giúp xây dựng mô hình và bản vẽ hoàn công một cách chính xác;

                                   Hình 3: So sánh giữa cách làm truyền thống và cách làm theo ứng dụng BIM: