BIM Việt Nam

THỰC TRẠNG VỀ ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH TẠI VIỆT NAM

Tại Việt Nam hiện nay, nắm bắt được xu thế ứng dụng công nghệ BIM, khái niệm về BIM đã tương đối phổ biến trong ngành xây dựng. Trong đó, từ các đơn vị quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp xây dựng cũng đã bước đầu nhận thức được lợi ích của việc ứng dụng BIM đem lại. Nhiều đơn vị thiết kế, nhà thầu từng bước đưa các ứng dụng phần mềm phục vụ BIM như Autodesk Revit, Tekla Structure… vào áp dụng trong các công trình thực tế từ giai đoạn thiết kế ý tưởng cho đến giai đoạn quản lý thi công.
Việc điều tra khảo sát hiện trạng áp dụng BIM trong ngành xây dựng tại Việt Nam được thực hiện trên nhiều đối tượng khác nhau là các cá nhân, doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước trong ngành xây dựng. Từ số liệu khảo sát thu được qua phiếu điều tra, có khoảng 69% đối tượng khảo sát tại khu vực Hà Nội, 21% tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và 10% là ở một số tỉnh, thành phố khác (Hải Phòng, Đà Nẵng,…). Trong đó, đối tương khảo sát thu được chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp, với 32% đến từ các doanh nghiệp tư nhân, 24% đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 19% đến từ doanh nghiệp nhà nước. Các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước chiếm tỷ lệ khảo sát khoảng 12%, tỷ lệ còn lại là từ một số đơn vị khác như các đơn vị đào tạo hoặc tư vấn về BIM. Lĩnh vực thu được nhiều khảo sát nhất là lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp với 84% và 19% thuộc về lĩnh vực xây dựng giao thông, lĩnh vực xây dựng thủy lợi chiếm khoảng 7% và lĩnh vực khác chiếm khoảng 14%. Các số liệu trên có thể cho thấy các đối tượng quan tâm đến việc ứng dụng BIM chủ yêu là các doanh nghiệp, bởi họ là những người trực tiếp được hưởng các lợi ích từ việc ứng dụng BIM. Và các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và giao thông, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế ngành xây dựng hiên nay, khi nhu cầu xây dựng trong các ngành đang ở mức rất cao, đòi hỏi cần phải có các công cụ quản lý mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng.
Một vấn đề quan trọng khác khi khảo sát thực trạng ứng dụng BIM là sự đa dạng của các đối tượng khảo sát vì BIM có thể được ứng dụng cho nhiều giai đoạn khác nhau và cho nhiều bên liên quan trong một dự án xây dựng. Qua quá trình khảo sát thu được tỷ lệ đơn vị tư vấn thiết kế được chiếm 64% (VNCC, VCC, PV Engineering, Polysius…), nhà thầu xây dựng chiếm 38% (Hòa Bình, Cofico, Unicons, Posco E&C, Delta, Vinaconex, Handico,…), tư vấn quản lý dự án chiếm 27% (Turner,…), tỷ lệ 16% thuộc về chủ đầu tư (VinGroup,…), 32% là tư vấn giám sát (Coninco…), một số đơn vị khác khảo sát khác là các cơ quan quản lý nhà nước (Viện Kinh tế Xây dựng, Cục quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM,…) và các đơn vị đào tạo (Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM,…) chiếm khoảng 12%. Có thể nhận thấy rằng tỷ lệ khảo sát phân bố tương đối đồng đều, không tập trung vào đối tượng nào, điều này cho thấy tất cả các bên liên quan chính trong dự án đều có sự quan tâm đến ứng dụng BIM.

Zalo

0934144498